Tủ điện máy bơm hoả tiễn trang bị các cảm biến giúp người dùng dễ dàng theo dõi quá trình vận hành của bơm trong tình trạng thiết bị đặt sâu dưới bồn, bể chứa mà mắt thường không thể quan sát được. Kèm chức năng bảo vệ bơm chìm (submersible pump), bơm hoả tiễn khỏi các sự cố ngoài ý muốn giúp máy hoạt động ổn định và lâu dài nhất có thể.
Tủ điện máy bơm hỏa tiễn là gì?
Một khi đã lắp đặt máy bơm hoả tiễn sâu trong các bể chứa trong tình trạng bơm bị ngập hoàn toàn trong lưu chất. Người dùng không thể nào kiểm soát được thiết bị hoạt động như thế nào, có xảy ra hỏng hóc hay không. Hơn nữa việc tiếp cận bơm tại các bể, giếng sâu để kiểm tra, sửa chữa hoặc tắt / khởi động máy cũng là một vấn đề cực kỳ khó khăn, chưa kể các chất lỏng được bơm là nước thải, hoặc hóa chất có thể gây nguy hiểm cho con người khi tiếp xúc trực tiếp.
Do đó tủ điện máy bơm hoả tiễn được thiết kế để tối ưu việc quản lý và giám sát, cũng như bảo vệ quá trình vận hành của bơm một cách hiệu quả từ việc kết hợp với các cảm biến và các thiết bị đóng cắt… Đồng thời đảm bảo cho người dùng có thể sử dụng bơm một cách an toàn và đúng theo nhu cầu.
Như đã biết, các dòng bơm chìm – bơm hoả tiễn công nghiệp trên thị trường hiện nay chủ yếu được trang bị động cơ điện 1 pha hoặc động cơ điện 3 pha. Đối với thiết bị bơm chạy động cơ 1 pha thì ta có thể dùng tủ điện để điều khiển hoặc chạy trực tiếp. Còn với bơm chìm chạy động cơ điện 3 pha thì bắt buộc phải sử dụng tủ điện để đề phòng hiện tượng đoản mạch hoặc nguy cơ máy bơm bị quá tải… Vậy thực tế, tủ điện bơm chìm có chức năng gì để bảo vệ cho máy bơm và vận hành tủ điện như thế nào cho hiệu quả, mời các bạn hãy theo dõi tiếp nội dung ngay bên dưới.
Tham khảo: Máy bơm Năng lượng mặt trời DC
Tủ điện máy bơm chìm có cần thiết không?
Để trả lời được câu hỏi này có lẽ phải đi từ nhu cầu và thực tế sử dụng của mọi người.
Tủ điện bơm hỏa tiễn có chức năng bảo vệ máy bơm khỏi các nguy cơ về điện áp cao có thể gây hư hại cho máy. Đặc biệt cần thiết cho các dòng bơm chìm công nghiệp có công suất lớn và giá thành cao. Cho phép người dùng điều khiển và vận hành bơm trực tiếp thông qua các chức năng trên tủ. Một tủ điện có thể điều khiển cho một máy bơm hoặc cả hệ thống bơm, hay điều khiển cho từng cụm bơm theo nhu cầu người dùng
Tủ điện bao gồm các bộ phận nguồn để điều khiển động cơ bơm, các cảm biến để cảnh báo, theo dõi quá trình hoạt động của bơm và các nút lệnh để người dùng vận hành bơm.
Khi nào phải dùng tủ điện cho máy bơm hoả tiễn?
Khi bạn cần kiểm soát dòng điện đi qua thiết bị với mục đích tắt, mở bơm hoả tiễn một cách an toàn. Hoặc cần được cảnh báo một khi máy bơm gặp trục trặc thông qua các tín hiệu đèn báo hay còi lắp đặt trên tủ. Một số tủ điện hiện đại hơn còn có thể truyền tín hiệu quản lý về các máy chủ thông qua giao thức kết nối internet…
Đối với máy bơm hoả tiễn sử dụng động cơ điện 3 pha, chúng ta cần phải có tủ điện điều khiển đóng cắt và tích hợp thêm các chức năng chống mất pha, theo dõi tín hiệu áp trên từng pha, phòng ngừa hiện tượng đảo pha không để xảy ra chập điện, cháy nổ giúp máy bơm hoạt động ổn định.
Tủ điện cho phép người dùng điều chỉnh máy bơm hoạt động theo ý muốn, tiết kiệm được mức năng lượng tiêu hao khi máy bơm vận hành và làm tăng tuổi thọ cho máy bơm chìm.
Lợi ích của tủ điện máy bơm chìm
- Bằng cách đo lường các chỉ số của máy bơm, sử dụng cảm biên mực nước. Tủ điện có thể phát hiện ra nguy cơ bơm chạy khô trước khi nó thực sự xảy ra và cảnh báo cho người dùng.
- Trang bị cảm biến nhiệt giúp bảo vệ động cơ chống xảy ra quá tải hoặc quá nóng.
- Bảo vệ chống quá áp, mất pha, lệch pha và bảo vệ đoản mạch cho máy bơm.
- Hệ thống cảnh báo máy bơm bị tắc nghẽn. Bơm hoạt động không đúng theo mong muốn của người dùng thông qua các cảm biến áp suất.
- Tích hợp cảm biến lưu lượng cho người dùng biết được bơm đang vận chuyển chất lỏng như thế nào.
Cấu tạo tủ điện máy bơm hoả tiễn
Thông thường, một tủ điện bơm chìm hay tủ điện máy bơm hoả tiễn có cấu tạo gồm các bộ phận sau:
Phần vỏ:
- Tủ điện máy bơm chìm có thể gia công bằng thép, sắt mạ kẽm và được sơn tĩnh điện. Ngoài ra, với các tủ có kích thước nhỏ còn có tuỳ chọn vật liệu bằng hộp tủ điện bằng nhựa, composite…
Khung:
- Với các tủ điều khiển một hệ thống máy bơm chìm, bơm hoả tiễn thì bên trong tủ sẽ có thêm phần khung để kết cấu tủ chắc chắn hơn
- Các panel bảng điện dùng để lắp các thiết bị điện
- Cánh cửa tủ với tủ nhỏ thường là dạng 1 cánh và các thiết bị cảnh báo, nút nhấn được lắp trên chúng. Tủ lớn sẽ có dạng hai cánh cửa, hoặc nhiều cánh, tuỳ thuộc vào độ phức tạp và lớn của hệ thống bơm.
Các thiết bị:
- Đèn báo pha: 3 đèn tương ứng với 3 màu xanh, đỏ, vàng
- Đồng hồ Vôn, Đồng hồ Ampe
- Một đèn tín hiệu báo cháy và một đèn tín hiệu báo dừng (có thể lắp ngoài và trong tủ điện)
- Một nút công tắc khởi động máy bơm và một nút tắt dừng máy bơm
- CB tổng
- Một khởi động từ (contactor)
- Một rơ le (relay) trung gian tự ngắt một khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn
- Một cầu đấu điện, một dây cốt điện
- Thiết bị bảo vệ mất pha, phụ kiện đi kèm…
Nguyên lý vận hành tủ điện máy bơm hỏa tiễn
Cũng giống như mọi thiết bị điều khiển, tủ điện máy bơm chìm hay tủ điện máy bơm hoả tiễn đều có hai chế độ chạy chính là: Thủ công (manual) và Tự động (auto) cho người dùng sử dụng.
Chế độ thủ công (Manual)
Ở chế độ thủ công, người dùng tự điều khiển với tủ điện máy bơm chìm bằng cách sử dụng các nút nhấn ở bên trong.
Chế độ tự động (Automatic)
Ở chế độ tự động, có một số đặc điểm khi vận hành với tủ điện máy bơm chìm đáng chú ý như sau:
- Có thể chạy thay phiên theo từng máy bơm, một máy hoặc nhiều máy trong trường hợp lắp tủ điện chung cho cả hệ thống bơm chìm.
- Tự động ngắt điện khi có xảy ra các sự cố như: đoản mạch, chập mạch, mất pha hoặc đảo pha…
- Tự ngắt máy khi bể chứa bị cạn, không để bơm chạy khô.
- Tự khởi động bơm vận hành khi bể chứa chất lỏng đạt mức cho phép và tự tắt bơm trong điều kiện ngược lại.
Các bước vận hành tủ điện máy bơm hỏa tiễn
Việc vận hành tủ điện máy bơm hỏa tiễn cũng khá đơn giản, trong phần hướng dẫn ngay bên dưới là gợi ý vận hành cho tủ điện điều khiển với hệ bơm nhỏ. Gồm có 03 bước tham khảo như sau:
Kiểm tra các đấu nối trên tủ
Đầu tiên để sử dụng thiết bị một cách hiệu quả, người dùng nên kiểm tra trước các yếu tố sau:
- Kiểm tra lại các terminal đấu nối xem có bị bung hay lỏng ốc vít hay không
- Xem vị trí của các van hai chiều
- Kiểm tra nguồn điện ngoài đã sẵn sàng chưa: Kiểm tra dòng điện áp 360V ≤ U ≤ 400V (nếu dòng điện không nằm trong khoảng này thì không được khởi động máy bơm)
Một khi đã kiểm tra xong và đảm bảo các yếu tố trên, người dùng hãy tiến hành khởi động bơm chìm bằng tủ điện.
Khởi động máy
- Nhấn nút ON để khởi động máy bơm.
- Sau đó kiểm tra chiều quay của bơm chìm.
- Kiểm tra tiếp lưu lượng của máy. Lưu ý, người dùng nên đảo chiều quay của bơm để xác định được chiều quay nào có lưu lượng lớn hơn. (Lưu ý thêm, khi máy bơm chìm quay ngược, nó vẫn cho khả năng lên nước, nhưng mức áp suất là rất yếu so với quay đúng chiều).
- Kiểm tra cường độ dòng điện (gọi tắt là I): Phải để I ≤ I (định mức). Nếu I > I (định mức) phải khép van hai chiều để hạn chế mức lưu lượng tại đầu xả, hãy nhớ luôn đưa cường độ dòng điện về I ≤ I (định mức).
Tắt hệ thống
- Nhấn vào nút màu đỏ OFF để tắt máy bơm.
- Tắt cầu dao CB tổng trong tủ điện khi không còn sử dụng bơm nữa.
Ngoài ra, người dùng sử dụng tủ điện máy bơm chìm hay tủ điện máy bơm hoả tiễn cần đặc biệt lưu ý những điều sau đây:
- Luôn chạy máy ở mức điện áp: 360V ≤ U ≤ 400V
- Khi khởi động máy bơm vận hành mà xảy ra hiện tượng sụt điện áp (điện áp đầu nguồn cao hơn điện áp cuối nguồn). Thì người dùng nên kiểm tra xem phần điện áp đầu nguồn. Và có biện pháp tăng kích cỡ dây điện, tiết diện dây dẫn hoặc thay thế, sử dụng các tủ đấu nối mới…
Trên đây là các bước chung để người dùng có thể vận hành máy bơm chìm – bơm hoả tiễn bằng tủ điện một cách hiệu quả. Tùy thuộc vào mỗi loại máy bơm có chức năng riêng biệt mà tủ điện của chúng có thể được nhà sản xuất thiết kế khác nhau. Vì vậy người dùng hãy yêu cầu sự tư vấn và hướng dẫn sử dụng từ nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất trước khi quyết định mua và lắp đặt.
Mọi chi tiết liên hệ qua hotline của Cheapea chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhé!
Hotline: 0949 17 2016
Địa chỉ: 564 Liên Phường, P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM